Xơ cột bên teo cơ là một bệnh lý thần kinh thoái hóa tiến triển với tỉ lệ mắc bệnh thấp nhưng tiên lượng dè dặt, di chứng nặng nề và tỉ lệ sống sót thấp. Hiện tại, dù chưa có biện pháp điều trị bệnh nhưng các biện pháp hỗ trợ đã được phát triển và chú trọng, đặc biệt là các biện pháp liên quan tới hỗ trợ dinh dưỡng sớm ở bệnh nhân ALS.
Tại sao việc hỗ trợ dinh dưỡng sớm là cần thiết ở bệnh nhân ALS?
Các nghiên cứu đã chỉ ra, chỉ số khối cơ thể BMI và tình trạng giảm cân tại thời điểm chẩn đoán bệnh có liên quan tới tiến triển của bệnh và tỉ lệ sống sót. Bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể thấp và tình trạng giảm cân tại thời điểm được chẩn đoán bệnh nhiều hơn sẽ có tiên lượng kém hơn. Vì vậy tình trạng dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng cần được quan tâm sớm ở bệnh nhân ALS.
Theo các khuyến cáo trên thế giới, đặc biệt, khuyến cáo mới nhất năm 2024 của Viện Hàn Lâm Thần kinh học Châu Âu (European Academy of Neurology - EAN)(1), mở thông dạ dày ra da cần được chỉ định sớm ở những giai đoạn đầu của bệnh khi bệnh nhân bắt đầu có những vấn đề về dinh dưỡng.
Thế nào là mở thông dạ dày ra da?
Mở thông dạ dày ra da là một kỹ thuật can thiệp đưa ống thông dạ dày qua thành bụng vào dạ dày để nuôi dưỡng bệnh nhân. Kỹ thuật này có thể thực hiện thông qua nội soi và được gọi là mở thông dạ dày ra da qua nội soi (percutaneous endoscopic gastrostomy – PEG) mà không cần thực hiện phẫu thuật. Kỹ thuật này được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa, thời gian tiến hành thường ngắn, can thiệp xâm lấn tối thiểu.
Khi nào thì nên mở thông dạ dày sớm ở bệnh nhân ALS
Hội thần kinh học Hoa Kỳ (American Academy of Neurology -AAN) khuyến cáo việc mở thông dạ dày cần được thực hiện trước khi dung tích sống (FVC) của bệnh nhân giảm xuống còn 50%(2). Khuyến cáo này được đưa ra dựa trên các nghiên cứu chỉ ra, nếu dung tích sống giảm thấp hơn 50% tại thời điểm mở thông dạ dày thì thời gian sống sót c ủa bệnh nhân giảm đi đáng kể.
Hoặc theo khuyến cáo của Viện Hàn Lâm Học Thần kinh học châu Âu (EAN)(1), việc mở thông dạ dày cần được tư vấn sớm cho bệnh nhân, và phải căn cứ vào khả năng nuốt, tình trạng giảm cân, chức năng hô hấp, tình trạng bệnh nhân gắng sức để ăn và uống, nguy cơ nghẹn sặc. Việc mở thông dạ dày muộn sẽ kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh như chỉ số khối cơ thể thấp, nguy cơ biến chứng hô hấp, rối loạn dinh dưỡng, thiếu dịch, do đó tăng nguy cơ biến chứng và tử vong khi thực hiện can thiệp mở thông dạ dày.
Biến chứng của việc mở thông dạ dày là gì?
Trên thế giới và tại Việt Nam, mở thông dạ dày là một kỹ thuật tương đối an toàn, ít biến chứng.
Một số biến chứng được ghi nhận bao gồm:
- Chảy máu tại vị trí mở thông
- Tắc ống thông
- Viêm tại chỗ
- Di lệch vị trí của ống thông
- Rò dịch tiêu hóa tại chân ống thông
Các biến chứng này thường xuất hiện ngay sau can thiệp nên việc phát hiện và xử trí kịp thời sẽ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
So sánh với phương pháp đặt ống thông mũi dạ dày
Đối với các bệnh nhân và gia đình chưa có nguyện vọng mở thông dạ dày, việc đặt ống thông dạ dày – mũi là một biện pháp thay thế phổ biến. Ngoài ra, khi bệnh nhân có rối loạn hô hấp và mong muốn mở thông dạ dày thì cần phải đặt ống thông mũi dạ dày trước khi tiến hành mở thông dạ dày theo khuyến cáo của EAN(1).
Tuy nhiên, khi so sánh, việc mở thông dạ dày là phù hợp hơn với bệnh nhân ALS do những lý do sau
- Mở thông dạ dày phù hợp với việc sử dụng lâu dài do rối loạn nuốt ở bệnh nhân ALS, trung bình khoảng 3-6 tháng sẽ thay ống thông một lần, tùy thuộc vào việc chăm sóc bệnh nhân.
- Mở thông dạ dày làm giảm nguy cơ sặc, viêm phổi hít, viêm loét đường tiêu hóa
- Việc chăm sóc ống thông đơn giản, giảm chi phí điều trị.
- Kiểm tra được lượng thức ăn tồn dư trong dạ dày dễ dàng
Tóm lại, việc mở thông dạ dày là một biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng cần được tư vấn cho bệnh nhân ALS ngay từ những giai đoạn sớm của bệnh nhằm đảm bảo vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc cho bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật tương đối an toàn, thực hiện nhanh, hiệu quả và có nhiều lợi ích, phù hợp với các bệnh nhân ALS. Việc chăm sóc ống thông cũng đơn giản, ít tốn kém và an toàn cho bệnh nhân. Việc đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân ALS ngay từ sớm có vai trò hết sức quan trọng tới tiên lượng và tỉ lệ sống của bệnh nhân.
ThS. BS. Trần Thị Thúy Hằng - Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108
Tài liệu tham khảo
1. Andersen, P. M., Abrahams, S., Borasio, G. D., Carvalho, M. d., Chiò, A., Damme, P. V., … & Weber, M. (2024). Efns guidelines on the clinical management of amyotrophic lateral sclerosis (mals) – revised report of an efns task force. European Journal of Neurology, 19(3), 360-375.
https://doi.org/10.1111/j.1468-1331.2011.03501.x
2. R. G. Miller, MD, FAAN, C. E. Jackson, MD, FAAN, E. J. Kasarskis, MD, PhD, FAAN, J. D. England, MD, FAAN, D. Forshew, RN, W. Johnston, MD, S. Kalra, MD, J. S. Katz, MD, H. Mitsumoto, MD, FAAN, J. Rosenfeld, MD, PhD, FAAN, C. Shoesmith, MD, BSc, M. J. Strong, MD, and S. C. Woolley, PhD (2019). Practice Parameter update: The care of the patient with amyotrophic lateral sclerosis: Drug, nutritional, and respiratory therapies (an evidence-based review).
https://doi.org/10.1212/WNL.0b013e3181bc014